Thursday, April 9, 2009

Nhớ Để Rồi Thương - Chương 1

Nhớ Để Rồi Thương
Tuyết Băng - TP

Chương 1


Tùng .... tùng .... tùng ....

Bác Năm gác cổng trường vừa cất cái dùi trống thì đã bị một đám học sinh của trường Nguyễn Văn Côn bao quanh. Nguyễn Văn Côn, một ngôi trường cấp III duy nhất ở cái thị trấn Tân Hòa bé nhỏ này, đã làm cho đám học sinh hòa hợp với nhau. Không phân biệt giàu hay nghèo.

Tan trường, các cô các cậu ùa nhau ra về. Chỉ còn một đám nữ sinh chạy tới chỗ bác Năm. Một trong ba cô, cô bé cao nhất, tóc dài, lí lắc lại gần:

- Chào bác Năm! Ngày mai nhớ đánh trống sớm sớm một chút há bác? Tụi con muốn có nhiều thời gian học bài thi nhưng không nỡ cúp cua hí hí. Có gì tụi con đãi bác uống nước mía há.

- Thôi đi, cái con nhỏ này. Phá bác Năm hoài. Coi chừng hôm nào đi học trể, bác khóa cổng cho mi khỏi vào luôn đó. -- Cô bé trong bọn nhìn thật bụi với mái tóc thật ngắn lên tiếng .

- Chà, chà, sao hôm nay mày hiền dữ vậy Uyên? Chắc kỳ này tao thi đậu quá! -- Cô nàng đeo kính cận la lên một cách ngạc nhiên.

Uyên không trả lời. Nàng đang thả hồn về một nơi nào đó. Cô gái tóc dài vội vàng:

- Kim Duyên à, để cho Phương Uyên nó yên tịnh một chút đi mà. Đừng chọc nó.

Nói rồi cô nheo mắt lắc đầu ám hiệu cho nhỏ Duyên.

- Tao biết mà. Nhưng hôm nay nó như vậy mấy lần rồi. Đúng là khi yêu con người ta có khác. Mày nhớ ở giá với tao nghe Mỹ Linh. Không thì tao sẽ không biết phải ra sao khi đi chung hai đứa như kẻ không hồn nữa. -- Duyên nhăn nhó.

Bác Năm đã quen với các cô cậu ở đây. Họ đều thích bác ấy vì ông ta hiền và vui vẻ, lúc nào cũng tốt với đám học sinh của trường này. Ông mỉm cười hiền từ:

- Các bạn về hết rồi. Tụi con cũng lo về nhà đi kẻo nhà trông.

- Vâng, tụi cháu về đây. Cám ơn bác Năm. Chúc bác cuối tuần vui vẻ.

Dứt lời, Duyên và Linh kéo Uyên chạy đi. Bác Năm đằng sau cũng khóa cổng trường và đi về.



    



Dũng đang ngồi trong quán cà phê Mây Hồng. Trong lòng anh ngao ngán. Gần sáu tháng nay rồi mà vẩn chưa tìm ra được nhỏ. Không có tin tức gì nơi những người quen chung quanh. Không biết nhỏ ra sao? Có nhớ đến mình không? Lòng anh luôn thắc mắc, không hiểu vì sao nhỏ lại ra đi một cách đột ngột, không lời từ giả. Lúc đến nhà thì nhỏ đã dọn đi nơi khác với gia đình. Dũng đã ốm đi rất nhiều trong mấy tháng nay. Anh bỏ công tìm kiếm nhỏ. Ngày nào cũng thế, sau một buổi dài tìm kiếm mệt mỏi, anh lại làm bạn với rượu chè. Anh chỉ muốn say vì trong cơn say anh mới gặp được nhỏ của anh. Để cho anh vơi đi nổi nhớ. Cho đến hôm nay, anh lặn lội về đất Gò Công, nơi anh đã trưởng thành, để sống một cuộc đời bình yên với những kỷ niệm đẹp nhỏ đã cho anh. Anh sợ cái cảnh bon chen của đất Sài Gòn. Sợ sự bám sát của Tuyết Loan. Mặc dù anh đã nói rõ với Loan là trái tim anh chỉ có nhỏ mà thôi, Loan vẫn không buông tha anh.

Hừ! Dũng ơi Dũng à, mi không phải vui mừng sao Dũng? Bây giờ thì ước mơ của mi đã thành sự thật rồi. Tuyết Loan đã tình nguyện đến với mi. Một cô gái trẻ đẹp, con nhà giàu có, lại học giỏi, đeo đuổi mi ngày đêm như mi đã từng muốn.

Dũng nghĩ trong đầu và cười buồn bã sao mình lại ngu ngốc đến thế. Vừa quậy ly cà phê cho tan đường, anh rảo mắt dòm quanh. Quán xá chung quanh thật quen thuộc tuy đã thay đổi nhiều từ lúc anh lên Sài Gòn làm việc. Bất chợt có tiếng cười ngoặt nghẻo của một đám con gái làm cho anh chi trí. Quay mặt sang bên kia đường, Dũng thấy ba cô nữ sinh đua nhau chạy như đuổi bắt .

- Thật ... -- Dũng chắc lưỡi lắc đầu. -- Con gái bây giờ sao mà nghịch quá. Mặc áo dài ấy thế mà vẫn chạy lung tung cho được.

Vừa lẩm bẩm, anh thấy cô tóc dài chỉ chỏ vào quán cà phê mình đang ngồi. Cô đeo kính tỏ vẻ không hài lòng và điệu bộ giảng đạo của cô ta trông thật buồn cười. Chỉ có cô bé tóc ngắn là vẫn xách cặp đi lững thửng như không hay biết gì.

Linh cãi:

- Quán cà phê đó ngon mà. Tụi mình vào thử đi.

Duyên sửa sửa mắt kính:

- Nhưng mà con gái, ai ngồi quán cà phê, mày không sợ bị đứa nào bắt gặp nó méc ba má mày hay sao hả nhỏ?

- Thì mình uống nước chanh hay si rô, đâu cần phải uống cà phê mới vào quán cà phê được.

- Con này nói nghe lạ à. Ai đời vào quán cà phê mà uống nước chanh hay si rô. Hong tin mày hỏi con Uyên đi. Quán cà phê đã từng là nhà của nó mà.

Mỹ Linh quay qua kiếm Phương Uyên.

- Ê Uyên! Mày làm gì vậy nhỏ kia? Đi kiểu như mày có ngày xe nó "hun" quá.

Linh réo lên rồi chạy theo Uyên. Duyên cũng co chân co cẳng chạy theo, miệng không ngớt hô hào:

- Ê, chờ tao với! Chờ tao với!

- Ai biểu tụi bây chậm như rùa bò làm chi? -- Uyên móc méo.

Dũng hết sức ngạc nhiên khi thấy cô bé tóc ngắn. Lúc nàng quay đầu lại để nói gì đó với hai cô bạn, Dũng nhận ra được khuôn mặt quen thuộc mà ngày đêm anh hằng mong nhớ. Lạ thật! Không lẽ là nhỏ thật sao? Sao nhỏ lại đến đây? Anh dụi mắt để nhìn cho kỹ. Biết đâu đó nhớ quá rồi gặp cô nào tương tự mà ngỡ là nhỏ thì sao? Anh cười thầm. Nhưng khi mở mắt ra thì bóng dáng của ba cô nàng đã mất dạng. Thật tức! Mình phải tìm cách nào gặp lại cô bé ấy mới được. Biết đâu đó chính là nhỏ. Suy nghĩ vậy, anh vội tính tiền cà phê rồi đạp chiếc xe đạp cũ kĩ về nhà. Lòng của Dũng tràn trề niềm hy vọng.



    


Bước vào nhà, Uyên đã nghe má gọi:

- Bạn con đâu? Sao không kêu tụi nó ở lại ăn cơm cho vui?

Uyên cười, nhỏ đi lại vừa bóp vai má, vừa nói:

- Tụi nó còn phải về nhà ôn bài mà má. Với lại ba mẹ tụi nó cũng chờ tụi nó về ăn cơm mà.

- Má biết. Má chỉ sợ con gái của má buồn không có ai chơi thôi. Má cũng biết là con từ nhỏ đã sống trên Sài Gòn quen rồi. Ở đây ít nhộn nhịp, lại không có nhiều trò chơi. Má sợ con không có bạn để tâm sự.

Ôm eo bà Nguyệt, Uyên trấn an:

- Má khỏi lo chuyện đó. Con có Mỹ Linh và Kim Duyên mà. Tụi nó tốt với con lắm. Con bây giờ rất thoải mái. Tuy là nhà mình không còn được dư giả như ngày xưa, nhưng con cảm thấy mình rất là vui vẻ. Má con có nhau. Không ai có thể làm cho má con mình đau khổ nữa.

- Mình đi ăn cơm thôi con. Tối rồi.

Bà Nguyệt không muốn nhắc tới chuyện buồn ngày trước . Bà vội vả đi vào bếp. Uyên lí nhí theo sau. Hai má con ngồi dùng cơm im lặng. Một bữa cơm không một lời nói nào cả. Họ đã quen rồi từ ngày ba Uyên bỏ má con Uyên đi và Nhóc của Uyên cũng rời khỏi cuộc đời nàng.

No comments: